Như chúng ta đã biết, du học sinh thì không được sử dụng Medicare của chính phủ Úc dành riêng cho cư dân của họ, mà phải có một loại bảo hiểm riêng dành cho du học sinh (OSHC) để trang trải chi phí y tế khá đắt đỏ nơi xứ người. Đó cũng là lý do tại sao khi xin visa du học Úc các bạn đều được Lãnh sự yêu cầu mua OSHC để bảo vệ sức khỏe cũng như có đầy đủ về quyền lợi y tế để bảo đảm cho việc học của bạn tại Úc. Nhưng chắc hẳn có khá nhiều bạn du học sinh vẫn chưa biết những quyền lợi mà mình được hưởng và cách đi khám theo OSHC là như thế nào.
1. Thông tin cần biết về OSHC:
– OSHC sẽ chi trả cho bạn những gì?
Tất nhiên OSHC không phải chìa khóa vạn năng, có 2 loại danh mục mà bạn cần biết tên khi khám bệnh tại Úc đó là MBS và PBS.
MBS là viết tắt của Medicare Benefit Schedule Fee quy định rõ mức lệ phí cần chi trả cho từng loại bệnh, OSHC sẽ chi trả cho bạn 100% theo MBS khi đi khám và điều trị nội trú hoặc khám và điều trị tại các phòng khám có liên kết với hãng bảo hiểm. Với khám chuyên khoa & X-quang, bạn được chi trả 85% bởi OSHC.
PBS là viết tắt của Pharmacy Benefit Schedule Fee quy đinh rõ mức phí chi trả cho từng loại thuốc, bạn sẽ được bồi hoàn bởi OSHC số tiền chênh lệch giữa hóa đơn thực tế và mức phí quy định trong PBS. Ví dụ bạn mua thuốc cúm hết 47$, trong danh mục quy định chi phí cho thuốc cảm là 35.30$ vậy OSHC sẽ hoàn lại cho bạn 11.70$.
OSHC cũng không chi trả các chi phí liên quan đến thẩm mỹ, điều trị răng và mắt, bạn cần mua gói Extra để được cover các chi phí này.
Lưu ý cho bạn là OSHC có quy định thời gian chờ với bệnh có sẵn và chi phí thai sản là 1 năm nghĩa là với những bệnh này bạn chỉ được chi trả sau 12 tháng kể từ ngày đặt chân đến Úc.
– Cách mua OSHC và OSHC Allianz sẽ hỗ trợ bạn những gì?
Các bạn học sinh hay nhầm lẫn là mua OSHC single cho người phụ thuộc – dependant đi kèm. Team gỡ rối xin đính chính lại, OSHC là sản phẩm chỉ bán cho du học sinh đến Úc học tập, nếu muốn mang theo vợ/chồng/con đi cùng, bạn phải nâng cấp gói bảo hiểm của mình lên như sau:
Nếu mang theo vợ hoặc chồng, gói Single cần được nâng lên Couple.
Nếu mang theo con, gói Single cần được nâng lên Single Parent.
Nếu mang theo cả vợ/chồng và con, gói Single cần được nâng lên Family.
2.Hướng dẫn đi khám bệnh cho du học sinh:
– Đối với những bệnh thông thường như cảm, ho, sổ mũi:
Bạn hãy đi tới GP (bác sĩ gia đình) khi bị các vấn đề sức khỏe lặt vặt (chẳng hạn như đau bụng, hắt hơi, ho, sốt, nổi mẩn, tiêu chảy) – sau đó GP sẽ cho bạn biết phải làm gì tiếp theo.
GP (bác sĩ gia đình) sẽ cho bạn biết phải làm gì và kê toa thuốc trị bệnh cho bạn. GP cũng có thể gởi bạn đi chụp x-quang hoặc thử máu hay gặp bác sĩ chuyên khoa nếu cần thiết.
– Đối với các trường hợp cấp cứu hoặc tai nạn:
Bạn được đi thẳng tới bệnh viện nếu bạn bị tai nạn hoặc trong trường hợp cấp cứu. Nếu bạn tới bệnh viện vì chuyện nhỏ nhặt (cảm, ho), bạn sẽ đợi rất lâu mới được bác sĩ khám bệnh. Vì những ca cấp cứu hoặc tai nạn trầm trọng cần được chữa trị ưu tiên.
– Quy trình đi khám OSHC:
Đầu tiên là Truy cập vào trang web của các hãng bảo hiểm và điền thông tin địa chỉ của bạn, hệ thống sẽ hiển thị các phòng khám gần nhà bạn nhất để tiện cho việc khám chữa bệnh. Đối với hãng Allianz bạn chỉ cần tải App MY OSHC về điện thoại và ‘’search’’ thôi.
Tiếp theo là gọi điện đặt lịch hẹn tiện thể hỏi xem ở phòng khám đó có thu phí dịch vụ gap fee không, và có áp dụng direct bill không. Trong App MY OSHC của hãng Allianz, bạn và cố gắng chọn những phòng khám có liên kết cùng hãng để được hưởng quyền lợi “Direct Billing” – chi phí khám bệnh sẽ được tính với hãng bảo hiểm, bạn không cần trả tiền cho GP.
Cuối cùng là đến đúng giờ hẹn và đừng quên mang theo thẻ bảo hiểm. Khi đi khám, thẻ bảo hiểm điện tử được áp dụng đối với các hãng Allianz, Medibank, AHM. Nó có chức năng giống như thẻ cứng thông thường, bạn chỉ cần chụp lại thẻ và xuất trình ảnh chụp mỗi khi đi khám/chữa bệnh để được chăm sóc tốt nhất.
Với những phòng khám không ‘’Direct Billing”, bạn trả phí sau khi khám, giữ lại các giấy tờ và gửi cho hãng bảo hiểm để nhận bồi hoàn về tài khoản, nhất định không được vứt các giấy tờ, hóa đơn khám bệnh nhé!
** Lưu ý:
-Những số điện thoại mà bạn luôn phải thuộc hoặc ghi lại nếu cần trợ giúp Y tế:
Gọi 000 nếu bạn cần xe cấp cứu.
Nếu cần tư vấn thêm về tình trạng bênh của mình có cần sử dụng xe cấp cứu hay không, gọi tới HealthDirect Australia tại số 1800 022 222.
(Theo SSDH)